Khai mạc Hội thảo Quốc tế về Di sản Văn hóa – Lịch sử và Cải biên Nghệ thuật ICHCHAA 2022.

Trong thời gian qua, phim ảnh, nghệ thuật Việt Nam và các sản phẩm giải trí có xu hướng tiếp thu, cải biên chất liệu lịch sử – văn hoá quá khứ đã (đang và sẽ) thu hút được nhiều sự chú ý từ phía công chúng cũng như các nhà phê bình nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các ngành nghệ thuật, văn hoá và lịch sử thường vẫn hoạt động tương đối phân tách, dẫn tới việc xây dựng sản phẩm liên ngành và tiếp cận kiến thức lẫn nhau còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc nghiên cứu quá trình cải biên thường được coi là trách nhiệm đặc hữu của các nhà nghiên cứu, không phải của các nhà làm phim hay các đơn vị làm nghệ thuật. Việc này đã tạo ra một khoảng trống cần được khoả lấp.
Hội thảo quốc tế Di sản lịch sử văn hoá Việt Nam và cải biên điện ảnh được tổ chức nhằm thu hẹp khoảng trống này. Hội thảo có định hướng tiếp cận cả từ góc độ lý thuyết cũng như thực tiễn, kết nối việc nghiên cứu hàn lâm với các thực hành nghệ thuật, thúc đẩy tính liên ngành thay vì tách biệt đơn ngành, đồng thời tăng cường nhận thức về mối liên hệ giữa văn hoá, lịch sử với nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập tích cực vào quá trình toàn cầu hóa.
Hội thảo này được thực hiện với sự cộng tác của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE, TNA Entertainment, UNESCO, YSD và trường Đại học Văn Lang. Hội thảo cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện khoa học trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 tại tỉnh Bình Định.
Hội thảo cung cấp một không gian toàn diện để giới học thuật, các nghệ sĩ và các nhà sản xuất sản phẩm nghe nhìn cùng trao đổi những thông tin khoa học về vấn đề cải biên chất liệu truyền thống/quá khứ Việt Nam, cùng thảo luận và thúc đẩy việc hiện thực hoá các ý tưởng và dự án nghệ thuật. Hội thảo cũng có tham vọng tư vấn và chỉ dẫn về chính sách, tiếp cận những định hướng mới trong đề án nghệ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo ICHCHAA còn cung cấp một không gian trưng bày và trình diễn những sản phẩm nghe nhìn có tính văn hóa lịch sử, như những đề xuất và gợi ý về các tự sự vi lịch sử có thể trở thành chất liệu khả thi, hấp dẫn cho điện ảnh – truyền hình đương đại.
Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nhóm chủ đề ở 03 Tiểu ban như sau:
  • Tiểu ban 1: Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh – truyền hình.
  • Tiểu ban 2: Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ.
  • Tiểu ban 3: Sản xuất phim từ chất liệu lịch sử văn hoá trung đại: những tiềm năng và thách thức.