NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ: ICISE Quy Hòa – Dấu ấn 10 năm nơi “đất võ”


GS Trần Thanh Vân phát biểu tại buổi lễ.

NDĐT- Đã 10 năm, kể từ khi vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc chọn Thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định) để thực hiện giấc mơ táo bạo của mình. Trải qua bể dâu, đến bây giờ, nơi hoang vắng, thiếu thốn kia đã trở thành đô thị khoa học vang tiếng.

Sáng ngày 5-8, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành – ICISE (thung lũng Quy Hòa), trong không khí sục sôi tinh thần khoa học, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam phối hợp tỉnh Bình Định tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dấu ấn gặp gỡ Việt Nam tại Bình Định (5-8-2008 – 5-8-2018).

Tại buổi lễ, GS Trần Thanh Vân đã ôn lại những kỷ niệm, chặng đường gian khó để thực hiện cái ý tưởng mà nhiều người trước đây cho là “điên rồ”. Những câu chuyện kể lại giai đoạn đầu tiên gian khó của Thung lũng Quy Hoà, nhưng với quyết tâm của các nhà khoa học, nơi đây đã trở thành địa chỉ khoa học danh giá của Việt Nam và châu Á.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong một lần đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tại Lễ kỷ niệm, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam xúc động kể lại: “Năm 2008, khi chúng tôi trở về Việt Nam, đã đi khảo sát ở nhiều địa phương trong cả nước để tìm nơi “đất lành” thực hiện ước mơ. Đến ngày 5-8-2008, chúng tôi đến Bình Định và nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, lúc ấy có anh Vũ Hoàng Hà (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định). Sau chặng đường khó khăn đó, đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế. Trong đó có 12 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt Huy chương Fields (Toán học), 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao cấp trong lĩnh vực thiên văn), 1 giáo sư đoạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga… Ngoài các hội nghị hàng đầu thế giới và sự cộng tác chặt chẽ của Viện Khoa học Quốc tế, Trung tâm ICISE đã bắt đầu xây dựng Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành. Hiện nay, Trung tâm đã có 2 nhóm nghiên cứu trẻ về vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và vật lý neutrino. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thành lập những nhóm nghiên cứu khác.

GS Trần Thanh Vân chia sẻ thêm, để làm được những điều như hôm nay, là nhờ vào sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và các thế hệ lãnh đạo luôn hướng đến tương lai của Bình Định nói riêng. Đặc biệt là những người bạn đã giúp đỡ vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong những lúc khó khăn nhất. Trong đó, phải kể đến GS Nguyễn Văn Hiệu, Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia.

Vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong một lần đón tiếp ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư.

“Nhiều người lo lắng vì vợ chồng chúng tôi đã đã lớn tuổi, ai là người tiếp nối chúng tôi. Nếu không có chúng tôi thì liệu Trung tâm ICISE này chỉ giống như ngọn lửa của rơm, cháy rồi tắt nhanh. Tuy vậy, chúng tôi đã tính toán cho việc này đã lâu rồi. Hiện nay, chúng tôi có những đội ngũ khoa học vững mạnh trên thế giới, cũng như trong nước. Những nguồn lực này sẽ làm cho “ngọn lửa” ICISE cháy mãi, bền vững và phát triển mạnh mẽ hơn.”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.

Tại buổi lễ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà nhớ lại: “Lúc đến Bình Định, vợ chồng GS Trần Thanh Vân ngỏ ý, trình bày ý tưởng thành lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành tại Bình Định. Thời điểm đó, tôi cũng rất lo, vì không biết Trung tâm sẽ theo mô hình thế nào, hoạt động ra sao. Tuy vậy, sau khi thấu hiểu tấm lòng cao cả của hai giáo sư, nên nhất quyết giữ chân hai người ở lại Bình Định…”Có lần, để thể hiện quyết tâm của địa phương, ông Vũ Hoàng Hà đã từng nói: “Nếu các giáo sư cần, thì có thể lấy trụ sở của Văn phòng UBND tỉnh này để làm Trung tâm cũng được. Tôi sẽ dời Trụ sở đi nơi khác”.

Ông Phan Thanh Bình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội ghi nhận: “Sau 10 năm Trung tâm ICISE đã có sự thay đổi rất tích cực, đạt được thành quả lớn. Sắp tới, chúng ta sẽ còn có nhiều việc để làm, để thực hiện ước mơ biến nơi đây thành vùng đất khoa học của Việt Nam; thực hiện ước mơ thành phố khoa học có trình độ nghiên cứu cao, tạo ra những nhà khoa học sắc sảo, có tính lan tỏa”.

Hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc nhận hoa chúc mừng của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.

Cuối buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã tặng hoa, tỏ lòng cảm ơn, tri ân vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đã hết lòng vì sự nghiệp khoa học của nước nhà. Ông Hồ Quốc Dũng đánh giá rất cao những nỗ lực hoạt động không mệt mỏi của vợ chồng GS Trần Thanh Vân, để có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay. Ông Dũng cho biết, tỉnh Bình Định sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng hành, hỗ trợ, điều hành trung tâm tiếp tục phát triển hơn trong tương lai để thực hiện ước mơ biến TP Quy Nhơn thành “viên ngọc” khoa học của cả nước.

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: “Sắp tới, tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch để phát triển thung lũng Quy Hòa thành một Khu đô thị Khoa học – Giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó có các công trình, dự án, bao gồm: Trung tâm ICISE; công viên sáng tạo TMA; công viên phần mềm của Công ty TNHH phần mềm FPT; làng khởi nghiệp và khu đổi mới sáng tạo; khu tổ hợp không gian khoa học với nhà mô hình vũ trụ, nhà khám phá khoa học, đài quan sát thiên văn phổ thông; các viện nghiên cứu khoa học; các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao”.

Tác giả: Hoành Sơn

Nguồn: https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/37226602-icise-quy-hoa-%E2%80%93-dau-an-10-nam-noi-%E2%80%9Cdat-vo%E2%80%9D.html