Cùng chuyên gia bàn chuyện phát triển bền vững

TTO – Năm 2020, Trường hè Phát triển Việt Nam (VSSD) lần đầu diễn ra tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn (Bình Định). Chương trình phi lợi nhuận nhận nhiều hỗ trợ của Hội Gặp gỡ Việt Nam và GS Jean Trần Thanh Vân.

Các bạn trẻ trong một buổi học trực tuyến vì giảng viên không thể đến do COVID-19 - Ảnh: TRỌNG NHÂN Các bạn trẻ trong một buổi học trực tuyến vì giảng viên không thể đến do COVID-19 – Ảnh: TRỌNG NHÂN

 

Theo ông Nguyễn Thành Danh – giám đốc Chương trình chính sách và chiến lược (Quỹ Khởi nghiệp xanh Việt Nam), trưởng ban tổ chức, gần 50 giảng viên là các giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng và hơn 100 bạn trẻ được tuyển chọn từ khoảng 1.000 người đăng ký đã đến VSSD.

 

“Ngợp” trong bài giảng

Hầu hết học viên, giảng viên đều công nhận rất hiếm sự kiện giáo dục quy tụ đông đảo chuyên gia nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực như VSSD. Sáu nhóm chủ đề gồm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nông nghiệp và sinh kế; môi trường và biến đổi khí hậu; sức khỏe và cộng đồng; giáo dục, văn hóa và nghệ thuật; xã hội hòa nhập đều thu hút nhiều giáo sư, tiến sĩ từ ba thành phần: cơ quan quản lý, trường ĐH, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội – đến VSSD cùng bài giảng về “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với những thách thức phát triển trong giai đoạn mới”.

Theo ông, một số lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay chưa nhận được quan tâm đúng mức về đầu tư phát triển đổi mới. Chẳng hạn với vật lý thiên văn, không ít định kiến cho đây là một môn “trên mây” nên số vốn rót vào còn khiêm tốn, số lượng các bạn trẻ theo ngành cũng ít ỏi.

“Tuy nhiên, vật lý thiên văn cũng thật gần gũi, thực tế và có nhiều giá trị, đặc biệt trong quan sát và dự báo tình trạng biến đổi khí hậu” – ông Lĩnh nói.

Tương tự, PGS.TS Trần Xuân Bách – Trường ĐH Y Hà Nội, phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam – nhấn mạnh: trái với những quan niệm trước đây y khoa là cứng nhắc, theo quy chuẩn, hiện vẫn có nhiều sáng tạo được đánh giá cao hỗ trợ chất lượng khám chữa bệnh.

Trong bài giảng “Xu hướng tiếp cận công nghệ và start-up trong kinh tế chia sẻ của thị trường y tế”, ông Bách cập nhật những công trình mới nhất về y tế cộng đồng trên thế giới, từ các ứng dụng chẩn đoán đến khai báo y tế.

“Muốn sáng tạo trong y khoa bền vững, trước hết cần nắm chắc các kiến thức nền tảng và có khả năng quan sát để nhận ra những nhu cầu thực tiễn của thị trường” – ông Bách nói.

 

Tiến sĩ vẫn đi học

Nguyễn Quốc Bảo (sinh năm 1992, Hà Nội) – hiện làm việc cho FAO – là một trong các học viên có học vị cao tại VSSD 2020. Từng lấy bằng tiến sĩ tại Pháp, Quốc Bảo lại “khăn gói” vào miền Trung theo học trường hè. Chàng tiến sĩ trẻ lý giải do vừa về nước đầu năm 2020, còn “lạ nước lạ cái” nên muốn tham gia sự kiện để tạo thêm kết nối với bạn trẻ trong nước và hiểu hơn các vấn đề hiện tại ở Việt Nam.

Là thành viên nhóm nông nghiệp và sinh kế, Bảo cho biết mình khâm phục các giảng viên có thể truyền đạt các kiến thức thực tiễn thông qua nhiều minh họa cụ thể. “Mình ấn tượng nhất với các bài giảng về nghệ thuật và truyền thông. Các kiến thức liên ngành làm mình được mở rộng hiểu biết nhiều hơn” – Quốc Bảo chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, các môn học được thiết kế dựa trên “kiềng ba chân” khoa học, xã hội và kinh tế, theo định hướng phát triển bền vững. Học viên được học liên ngành từ lý thuyết đến thực tiễn. Đồng thời, học viên có dịp trao đổi với các chuyên gia sáng tạo các giải pháp khả thi cho những vấn đề thực tế.

“Phát triển bền vững là những gì chúng tôi luôn trăn trở thông qua các bài giảng. Ngoài các buổi giảng dạy, chia sẻ, còn có các buổi workshop, tọa đàm và các dự án cho học viên” – ông Danh nói.

 

Các dự án cộng đồng

Sau bốn ngày tại VSSD, các nhóm học viên đưa ra những dự án cộng đồng để tiếp tục triển khai trong 6 tháng tiếp theo. Phạm Thành Trí (sinh năm 1998) cùng nhóm có dự án “EcoFish” – cá bống bảo vệ môi trường. Nhóm xây dựng một mô hình cá bống, đến các trường ĐH để “xin rác”. Ngoài việc thu gom, mô hình cũng giúp các bạn trẻ biết được mức độ tiêu thụ rác thải trong nhà trường là như thế nào. Mô hình đã được triển khai và áp dụng thử tại ba địa phương là Quảng Ngãi, Cần Thơ và Trà Vinh. Tới đây, nhóm sẽ có kế hoạch thực hiện tại TP.HCM và tiếp tục về các tỉnh miền Tây.

 

Tác giả: Trọng Nhân

Báo Tuổi trẻ

Nguồn: https://tuoitre.vn/cung-chuyen-gia-ban-chuyen-phat-trien-ben-vung-202008050857236.htm